Ở những bài chia sẻ trước chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu khá kĩ những thông tin về công nghệ RFID, hôm nay BKAII sẽ cùng các bạn khám phá những ưu thế vượt trội của RFID so với công nghệ nhận diện mã vạch hiện nay nhé!
Có thể nói RFID và công nghệ nhận diện mã vạch hiện nay đang là hai công nghệ phổ biến trên thế giới giúp nhận dạng vật thể. Hai công nghệ này tuy cùng được sử dụng để nhận dạng và có khá nhiều điểm tương đồng nhưng ta vẫn thấy được sự vượt trội hơn của công nghệ RFID.
Chúng ta cùng tìm hiểu một chút về mã vạch nhé. Mã vạch là sự thể hiện thông tin trong những dạng nhìn thấy trên bề mặt của sản phẩm, hàng hóa. Mỗi dải mã vạch đều tương ứng một dãy số đóng vai trò là mã nhận. Mã vạch có thể được đọc bởi các thiết bị quét quang học gọi là máy đọc mã vạch hay cũng có thể được quét từ hình ảnh qua các phần mềm chuyên dụng.
RFID hay mã vạch đều có những điểm mạnh và điểm yếu riêng của mình phù hợp với từng yêu cầu và mục đích sử dụng. BKAII sẽ so sánh một vài đặc điểm của hai công nghệ này để giúp các bạn có thêm thông tin cho lựa chọn của mình nhé.
Khả năng đọc, ghi dữ liệu
Mã vạch là một thứ cố định và không thể sửa đổi một khi chúng được in ra nên cũng có thể coi đây là công nghệ chỉ đọc. Đối với RFID đây là công nghệ có thể đọc và ghi tới bộ nhớ, số lần định dạng thẻ có thể lên đến hàng nghìn lần sử dụng. Những dữ liệu có thể được sửa đổi và cho phép sử dụng lại thẻ chính là một lợi thế so với công nghệ mã vạch.
Kích thước bộ nhớ
Công nghệ nhận diện mã vạch hiện nay chỉ có thể lưu trữ tối đa 2000 ký tự theo loại mã vạch 2 chiều. Có thể thấy lượng lưu trữ này khá nhỏ khi so sánh với thẻ RFID có khả năng lưu trữ lên đến 128kB và có thể tăng lên hơn khi kích thước chip nhớ ngày càng được thu gọn.
Phạm vi đọc
Mã vạch có thể có một khoảng khá dài. Thông thường khoảng vài chục cm. Phạm vi đọc của thẻ RFID có một khoảng thay đổi khá rộng, phụ thuộc tần số hoạt động hệ thống, kích thước anten và loại thẻ sử dụng. Thông thường phạm vi đọc thẻ RFID có thể từ vài cm tới vài m.
Đường ngắm
Khi đọc mã vạch thì bắt buộc phải nằm trên đường ngắm của đầu đọc và không bị cản trở bởi vật thể nào. Với RFID thì không cần một đường ngắm giữa thẻ và thiết bị đọc bởi sóng vô tuyến có khả năng lan truyền qua nhiều chất liệu khác nhau.
Tính bảo mật
Mã vạch bắt buộc được in phía ngoài bao bì vì vậy nó có thể dễ dàng đọc được chỉ với chiếc điện thoại và ai cũng có thể thu thập được dữ liệu mã hóa trên đó. RFID có mức bảo vệ cao hơn với nhiều khả năng ngăn chặn bên thứ ba đọc thẻ và chỉ có đầu đọc cung cấp đúng mã thẻ mới có khả năng đọc được dữ liệu.
Độ bền, khả năng đọc ổn định.
Công nghệ RFID có khả năng chịu tốt hơn bụi bẩn và khắc nghiệt của môi trường. Mã vạch sẽ không đọc được nếu bị bao phủ bởi bụi bẩn. Với mã vạch đôi khi phải cho qua hệ thống tới hai ba lần thậm chí đọc bằng tay mới có thể đọc được nhưng với RFID thông qua thuật toán chống xung đột và các tính năng RW, có thể loại bỏ được việc sản phẩm phải quét nhiều lần. Tuy nhiên RFID không hoạt động tốt trong môi trường có vật liệu chắn sóng vô tuyến như kim loại hoặc chất lỏng.
Giá thành
Có thể thấy RFID có nhiều điểm vượt trội hơn so với công nghệ mã vạch tuy nhiên giá thành của công nghệ này rất cao nên số lượng doanh nghiệp sử dụng còn hạn chế. Cũng một phần do chi phí cao mà RFID chưa thể thay thế hoàn toàn cho công nghệ mã vạch, hiện nay chúng vẫn đang tồn tại song song.
Xem thêm:
- Ứng dụng tiêu biểu của công nghệ RFID
- Hệ thống RFID những cách phân loại cơ bản
- Sự khác biệt giữa thẻ RFID chủ động và thẻ RFID bị động
Trên đây là một vài những so sánh về công nghệ mã vạch và RFID. Hi vọng với một vài chia sẻ trên đây sẽ giúp các bạn có thêm thông tin và hiểu thêm về hai công nghệ này để có những sự lựa chọn phù hợp cho bài toán hay giải pháp của mình. Có thắc mắc hay cần thêm thông tin gì các bạn cứ liên hệ BKAII nhé!
"BKAII - Thiết bị truyền thông TỐT nhất với giá CẠNH TRANH nhất!"