Các startup đang bị biến thành những sản phẩm để ngành kinh doanh cung cấp các hội thảo, website, khóa học... trục lợi.

 

Mở Startup, tôi đã tham gia đủ loại sự kiện, lớp học truyền cảm hứng, thi sáng kiến, "chém gió" trên báo và nhận ra nó hoàn toàn vô nghĩa

Arthur Attwell là nhà sáng lập của Paperight, một Startup về lĩnh vực xuất bản ở Nam Phi. Sau 6 năm hoạt động, anh đã phải đóng cửa start-up của mình vào đầu năm 2015. Những năm tháng vật lộn trong giới khởi nghiệp đã giúp anh hiểu được rằng, các startup đang trở thành món hàng kiếm tiền của một ngành kinh doanh mới. Dưới đây là chia sẻ của Arthur về những bài học anh rút ra sau thất bại của mình.

Các startup đang trở thành một loại hàng hóa cho một ngành kinh doanh mới. Ngành này kiếm tiền nhờ cung cấp các hội thảo, website, khóa học và cuộc thi dành cho startup. Là nhà sáng lập của các startup non trẻ, chúng ta khó nhận biết được đâu là sự ủng hộ và hướng dẫn thực tâm từ ma trận các dịch vụ mà ngành kinh doanh này cung cấp. Các startup đang bị biến thành những sản phẩm để họ trục lợi.

Bị cám dỗ bởi những ánh hào quang mà họ tô vẽ, chúng ta đang phung phí thời gian vào những chuyến bay, những buổi thuyết trình, những lần điền thông tin chỉ để ai đó có thể bán vé cho chương trình của họ. Tôi đã trải nghiệm đủ cả và không thấy bất kỳ lợi lộc nào. Tôi thấy hối tiếc về khoảng thời gian đó. Dưới đây là năm bài học nhớ đời tôi đã đúc kết được từ kinh nghiệm của mình:

1. Không tham dự các sự kiện dành cho startup

Tôi đã được mời đến năm sự kiện dành cho startup trong tuần này. Những buổi hội thảo, triển lãm, bữa sáng dành cho startup. Hãy nói không với tất cả. Các sự kiện startup được xem là “có ích cho việc mở rộng quan hệ”. Tôi đã có một hoặc hai mối quan hệ thú vị từ những sự kiện này. Nhưng phần lớn những sự kiện như thế chỉ làm lãng phí thời gian mà đáng lẽ tôi nên dành cho công ty của mình.

Nếu bạn đang làm dự án về xuất bản, y tế, kỹ thuật hay một ngành nghề khác, bạn sẽ không tìm thấy khách hàng trong giới startup đâu. Ở một sự kiện dành cho startup, bạn sẽ chỉ được gặp những người trong ngành startup. Họ không phải là khách hàng của bạn. Chỉ nên đến những sự kiện có nhiều khách hàng tiềm năng trong ngành của bạn.

Bạn vẫn có thể dành thời gian ăn tối với một vài doanh nhân trong giới startup mà mình thích. Điều đó sẽ giúp bạn bớt cô đơn. Còn thì nếu không phải ra ngoài bán hàng, tốt nhất là trở lại văn phòng và làm việc. Hoặc bạn hãy về nhà và dành thời gian cho gia đình.

2. Không tham dự các cuộc thi dành cho start-up

Sau các sự kiện là các cuộc thi. Cuộc thi sáng kiến, cuộc thi quảng cáo, cuộc thi kế hoạch kinh doanh. Đôi khi giải thưởng là một khoản đầu tư vào công ty của bạn (Giải thứ nhất, một nhà đầu tư. Giải thứ hai, hai nhà đầu tư).

Nhưng đừng vội mừng. Những giải thưởng này chưa chắc đã có giá trị trên thực tế. Tôi từng được một công ty tư vấn quốc tế lớn gọi điện thông báo, chúng tôi đã giành được một giải thưởng lớn về sáng kiến. Nhưng tôi không thể nói cho bạn biết về giải thưởng này vì tôi phải trả phí đăng ký cho họ nếu tôi làm vậy. Họ muốn tôi trả 7.500 euro chỉ để nói cho mọi người biết là chúng tôi đã thắng.

Bạn cũng có thể giành được các giải thưởng “hỗ trợ kinh doanh”. Các chương trình này sẽ cử sinh viên MBA đến “giúp bạn phát triển doanh nghiệp”. Nhưng kỳ thực là họ đang muốn tìm nơi thực tập cho khóa học của mình ở trường. Tôi đã phải ngồi với những nhóm chẳng biết gì về lĩnh vực tôi làm, dùng thời gian của tôi để nói về những điều tôi đã biết. Tôi thấy tiếc vì khoản thời gian đó.

Nếu bạn chắc rằng mình có thời gian để tham gia các cuộc thi, chỉ chọn những cuộc thi miễn phí và biết rằng mình có thể thắng. Đừng trở thành sản phẩm cho họ kiếm tiền.

3. Cẩn thận với lời mật ngọt của giới truyền thông

Những gì báo chí viết về giới startup thường rất hấp dẫn. Họ luôn vẽ ra những viễn cảnh tươi sáng và tán tụng bạn, đặc biệt là nếu bạn giành được một giải thưởng nào đó.

Ở Paperight, chúng tôi lập ra một danh sách dài các bài báo ca ngợi mình. Chúng tôi đã giành các giải thưởng về startup ở London, Frankfurt và New York, và thậm chí còn được ca ngợi công khai ở quốc hội Nam Phi. Hồ sơ của công ty chúng tôi được đưa vào các tờ báo nổi tiếng như CNN và Forbes. Tôi chắc rằng những giải thưởng đã khiến báo chí ca ngợi chúng tôi nhiều như vậy.

Nhưng điều đó không làm tăng doanh số của chúng tôi hay sự để ý của nhà đầu tư. Với một doanh nghiệp trẻ đang chập chững bước vào thương trường, doanh số là điều quan trọng nhất. Đúng là những lời khen ngợi có tác dụng kích thích nhân viên và khơi dậy niềm tin của nhà đầu tư. Nhưng hiệu ứng này sẽ mờ nhạt dần sau một vài giải thưởng. Vì thế, đừng quá tin vào những gì báo chí nói về start-up và hãy tập trung vào công việc của bạn.

4. Đừng nói với khách hàng công ty của bạn là một startup

Mọi doanh nhân đều nói họ yêu thích các startup. Nhưng không ai muốn mua sản phẩm từ một startup. Đặc biệt là các công ty lớn. Công ty lớn muốn mua hàng từ các doanh nghiệp lớn, ổn định. Họ muốn tin rằng, công ty của bạn sẽ vẫn hoạt động lâu dài. Họ muốn làm việc với một thương hiệu quen thuộc.

5. Chỉ nhận sự giúp đỡ thực chất

Những người làm startup luôn cần được giúp đỡ, dù là về tinh thần, kiến thức hay tài chính. Nhưng chúng cũng có thể làm bạn xao nhãng và không đem lại hiệu quả thực tế. Thay vào đó, hãy tìm một người có kinh nghiệm trong lĩnh vực của bạn. Những lời khuyên của họ còn có giá trị hơn cả trăm giải thưởng vô nghĩa.

Nam Nguyễn

Theo Trí Thức Trẻ/Medium


 
 

Số lượng người đang truy cập...

Đang có 638 khách và không thành viên đang online