Đó là nhận định của ông Makoto Miyauchi - Đại diện Công ty tư vấn DI Việt Nam về những cơ hội trong phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao của Lâm Đồng trong tương lai. Dưới đây là ý kiến trao đổi của 2 doanh nghiệp Nhật Bản về bức tranh nông nghiệp công nghệ cao của Lâm Đồng hiện tại và tương lai.
Ông Makoto Miyauchi - Giám đốc Công ty Dream Incubator Vietnam JSC (DI Việt Nam) 
Đầu tiên, Lâm Đồng là một trong không nhiều nơi ở khu vực Đông Nam Á có điều kiện khí hậu thuận lợi để sản xuất các loại rau, củ, quả cho thị trường Nhật. Thứ hai, Nhật Bản có nhiều lý do để coi Lâm Đồng như một trung tâm cung ứng rau sạch trong tương lai. Do ngành sản xuất rau trong nước có xu hướng thu hẹp, Nhật Bản phải tìm nguồn cung ứng từ các thị trường xung quanh. Nhật Bản là quốc gia nhập khẩu rau nhiều nhất châu Á, đóng góp tới 60% tổng lượng nhập khẩu rau của tất cả các quốc gia. Tuy nhiên, đối tác cung ứng rau lớn nhất hiện tại cho Nhật là Trung Quốc lại đang gặp nhiều vấn đề về độ an toàn của sản phẩm. Điều này khiến các công ty thương mại Nhật phải tích cực tìm đối tác cung ứng mới và đây chính là cơ hội của Lâm Đồng. Thứ ba, Hiệp định TPP sẽ đem lại tác động tích cực do hàng rào thuế quan được cắt giảm cho mặt hàng rau. Đây là điều kiện thuận lợi để Lâm Đồng cạnh tranh với các quốc gia ngoài TPP, đặc biệt là Trung Quốc trên thị trường quốc tế. Vì những lý do trên, một số công ty Nhật đã bắt đầu đầu tư sản xuất và thu mua rau tại Lâm Đồng.
Cùng với đó, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã có những bước đi chủ động để tận dụng cơ hội này của ngành nông nghiệp với sự hỗ trợ của JICA và tư vấn của DI. Tám bước chiến lược đã được đề ra với mục tiêu biến Lâm Đồng trở thành trung tâm sản xuất số 1 của Đông Nam Á. Một ví dụ là sự hình thành Khu Công nghiệp nông nghiệp như là một nơi tập trung sản xuất rau sạch để xuất khẩu đi Nhật. Mô hình này sẽ giải quyết vấn đề quy mô sản xuất manh mún và nguồn cung ứng không ổn định. Một chiến lược khác là xây dựng trung tâm sau thu hoạch được áp dụng công nghệ của Nhật. Trung tâm này sẽ giúp nâng cao chất lượng và tính khác biệt trong sản phẩm của Lâm Đồng. Chúng tôi kỳ vọng sẽ nhân rộng mô hình này cho các công ty, HTX, nông dân ở Lâm Đồng và kết hợp với các siêu thị tại HCM. Một ví dụ nữa về chiến lược là mô hình “Trường kinh doanh nông nghiệp”, nơi sẽ đào tạo các kỹ năng kinh doanh và thực hành nông nghiệp công nghệ cao cho nông dân, sinh viên nông nghiệp. Mô hình này được kỳ vọng sẽ đem lại lợi ích lâu dài cho Lâm Đồng. Với những sự chuẩn bị này, tôi hoàn toàn tin tưởng vào tương lai của Lâm Đồng và cơ hội phát triển trên thị trường quốc tế trong bối cảnh TPP.
Ông Hanaoka Takaya - Tổng Giám đốc Công ty An Phú Lacue
Lâm Đồng là vùng đất lý tưởng để đầu tư. Công ty TNHH An Phú Lacue đã hoạt động được hơn 1 năm tại tỉnh Lâm Đồng với dự án “Làng thần kỳ”. Nếu so sánh điều kiện sản xuất nông nghiệp ở Lâm Đồng và làng Kawakami thì rõ ràng vùng đất Lâm Đồng có ưu thế vượt trội với khí hậu ôn hòa và nhiệt độ lý tưởng. 
Có 5 lý do để công ty chúng tôi chọn Lâm Đồng là nơi đầu tư: Nơi đây có hệ thống chính trị ổn định, diện tích đất nông nghiệp lớn, Lâm Đồng có khí hậu phù hợp cho việc trồng rau quanh năm, Việt Nam có dân số hoạt động nông nghiệp cao gấp nhiều lần Nhật Bản và Việt Nam là vựa rau lớn nhất châu Á.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng còn gặp một số vấn đề khó khăn đó là tình trạng sản xuất ở Lâm Đồng nói riêng, Tây Nguyên nói chung vẫn còn đang trong mô hình nhỏ lẻ, sản xuất rải rác, chưa tập trung và cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế (đường sá, nguồn điện ba pha, mạng lưới thông tin...). Nếu khắc phục được những điều này thì đây thực sự là thiên đường nông nghiệp công nghệ cao.

Bài viết mới cập nhật...

 
 

Số lượng người đang truy cập...

Đang có 409 khách và không thành viên đang online