Chỉ trong vòng một tháng thử nghiệm đặt hệ thống cân xe tự động tại trạm thu phí QL1 BOT An Sương - An Lạc (TP HCM), đã phát hiện hơn 4 nghìn xe quá tải. Con số xe quá tải “khủng” bị phát hiện này chỉ rõ một thực tế: Với việc xử phạt xe quá tải thủ công như hiện nay, lực lượng kiểm tra còn để lọt rất nhiều xe quá tải trên đường.

Trao đổi với Báo Giao thông, TS. Bùi Hữu Phú, PGĐ Phòng thí nghiệm Trọng điểm quốc gia điều khiển số và kỹ thuật hệ thống - tác giả của đề án “Nghiên cứu thiết kế và triển khai thử nghiệm hệ thống cân xe tự động trên các tuyến đường huyết mạch của TP HCM” cho biết: “Sở GTVT TP HCM đã đặt hàng nghiên cứu chương trình này. Ban đầu dự kiến lắp đặt tại đầu khu vực hầm sông Sài Gòn. Tuy nhiên, để có đánh giá hiệu quả xác thực hơn, Sở GTVT yêu cầu nhóm nghiên cứu đặt cân xe tự động nơi có nhiều lưu lượng xe tải nặng lưu thông là khu vực trạm thu phí QL1 An Sương - An Lạc”.

Theo TS. Phú, chương trình thí điểm đã hoàn tất. Phòng thí nghiệm sẽ có báo cáo kết quả lên Sở GTVT TP HCM. Ưu điểm của hệ thống này là khi xe chạy qua trạm thu phí, hệ thống cảm biến sẽ nhận biết tải trọng trục xe, cũng như tổng tải trọng xe… Số liệu này sẽ được báo nhanh cho lực lượng thanh tra gần đó dừng xe đưa vào cân xách tay di động để đối chiếu kết quả.

Ông Nguyễn Hồng Ninh, Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng IDICO (IDICO-IDI) - chủ đầu tư trạm thu phí BOT An Sương - An Lạc cho biết, tuyến đường này có lưu lượng xe tải nặng dày đặc lưu thông từ QL1A, miền Đông đi miền Tây. “Ngay sau khi Sở GTVT đặt vấn đề đặt cân thử nghiệm, tôi nhận lời ngay. Việc làm này sẽ mang lại lợi ích lớn, vừa đỡ chi phí đầu tư, vừa kiểm soát được tải trọng, giảm được chi phí duy tu sửa chữa mặt đường do xe quá tải tàn phá. Chỉ trong một tháng, trạm đã ghi nhận hơn 4 nghìn xe quá tải đã đi qua trạm, một con số quá lớn”, ông Ninh nói.

Theo quan sát của chúng tôi, vị trí lắp đặt hệ thống cân cảm biến được triển khai “bí mật” nên xe quá tải chạy qua đây rất khó thoát. Cứ quá tải là hệ thống sẽ tự động nhận dạng. Hệ thống được sử dụng một phần mềm tương thích với cân tự động của ông Ngô Minh Thạch (Phó phòng Kế hoạch kỹ thuật, Tổ trưởng Tổ giám sát hậu kiểm nghiên cứu cải tiến hệ thống nhận dạng biển số xe), với chi phí chỉ 700 triệu đồng.  

Theo ông Thạch, nếu triển khai nhân rộng và viết lại toàn bộ phần mềm nhận dạng biển số xe, trục xe, chi phí khoảng trên 24 tỷ đồng. Hệ thống này cũng có thể giúp người kiểm soát vé biết chính xác loại xe, tải trọng để không nhầm lẫn mệnh giá vé. Đơn vị chủ quản còn chống được thất thoát với trường hợp nhân viên khai man mệnh giá thấp hơn để hưởng chênh lệch.

Nghiên cứu để nhân rộng

Lãnh đạo Sở GTVT TP HCM cho biết, chủ trương của thành phố là quyết tâm chấm dứt tình trạng xe quá tải lưu thông trên địa bàn thành phố kể từ năm 2015. Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín cho biết, đã giao Công an TP HCM chủ trì, phối hợp với Sở GTVT, Sở Tư pháp và các đơn vị liên quan nghiên cứu áp dụng hình thức xử lý vi phạm với ô tô chở hàng vượt quá tải trọng cho phép theo hướng niêm phong xe và chỉ cho phép lưu thông trở lại sau khi thực hiện hạ tải đúng quy định.

Liên quan đến việc nhân rộng hệ thống kiểm soát tải trọng xe tự động, ông Nguyễn Hữu Tín đồng ý với chủ trương này. Hiện TP HCM đang có 10 cân di động xách tay, nhưng chưa có trạm cân tự động lắp đặt ở vị trí cố định. Sở GTVT đã tiến hành khảo sát và xác định được 10 vị trí dọc đường Vành đai II, các cửa ngõ ra vào thành phố để lắp đặt hệ thống kiểm soát tải trọng tự động cố định. Đơn vị này cũng kiến nghị UBND TP HCM ưu tiên bốn vị trí cửa ngõ quan trọng là: Trạm thu phí BOT An Sương - An Lạc, Đại lộ Nguyễn Văn Linh, cầu Phú Mỹ và đường ra vào cảng Cát Lái.

Minh Nghĩa - Báo giao thông


 
 

Số lượng người đang truy cập...

Đang có 1353 khách và không thành viên đang online