Trong thời đại công nghệ số hẳn ta đã nghe nhiều đến những khái niệm như: truyền dữ liệu, tốc độ truyền hay làm thế nào để các thiết bị có thể truyền tải và “hiểu” được nhau. Hôm nay BKAII sẽ cùng các bạn tìm hiểu một số vấn đề liên quan đến việc truyền dữ liệu nhé.
Trước tiên là cần tìm hiểu: vậy như thế nào là truyền dữ liệu? Đến nay cũng có nhiều cách định nghĩa về khái niệm này. Ta có thể hiểu một cách đơn giản truyền dữ liệu chính là sự chuyển giao dữ liệu qua một kênh truyền. Dữ liệu ở đây có thể là một bit stream dữ liệu số hoặc một tín hiệu analog đã được số hóa. Dữ liệu được đại diện như một tín hiệu điện từ, điện thế, sóng vô tuyến, tín hiệu hồng ngoài,… Những kênh truyền thông có thể được truyền theo mô hình điểm – điểm hoặc đơn điểm đến đa điểm. Các kênh truyền thông thông dụng hiện nay như: cáp đồng, cáp sợi quang, truyền thông không dây,…
Để đánh giá được hiệu quả truyền dữ liệu, hiện nay người ta thường dùng các đơn vị đo tốc độ đường truyền. Có hai loại đơn vị đo phổ biến nhất thường được sử dụng, mặc dù hai đơn vị này hoàn toàn khác nhau nhưng đôi khi vẫn còn những sự nhầm lẫn giữa hai khái niệm này.
Megabit trên giây (tiếng Anh: megabit per second; viết tắt là Mbps), là đơn vị đo tốc độ truyền dẫn dữ liệu, tương đương 1.000 kilobit trên giây hay 1.000.000 bit trên giây.
Băng thông của dịch vụ Internet dân dụng thường được đo bằng Mbit/s.
Đa số các ứng dụng video được đo bằng Mbit/s:
- 32 Kbit/s – chất lượng videophone
- 2 Mbit/s – chất lượng VHS
- 8 Mbit/s – chất lượng DVD
- 27 Mbit/s – chất lượng HDTV
Một đơn vị đo tốc độ truyền dẫn dữ liệu khác là megabyte trên giây (MBps hoặc MB/s). 1 megabyte/s (1MBps) = 1024 Kilobytes/s (1024 KBps) = 1024*1024 Bytes/s = 1024*1024*8 bits/s
Nhiều giao diện dữ liệu máy tính được đo bằng MB/s:
- PATA 33-133 MB/s
- SATA 150-300 MB/s
- PCI 133-533 MB/s
Để các thiết bị có thể kết nối được với nhau chúng cần phải có một “chuẩn ngôn ngữ chung” để có thể “hiểu được nhau”. Giao thức giao tiếp (giao thức truyền thông) là một tập hợp các quy tắc chuẩn dành cho việc biểu diễn dữ liệu, phát tín hiệu, chứng thực và phát hiện lỗi dữ liệu - những việc cần thiết để gửi thông tin qua các kênh truyền thông, nhờ đó mà các máy tính, thiết bị có thể kết nối và trao đổi thông tin với nhau.
Có nhiều giao thức để truyền tải thông tin. Một số giao thức tiêu biểu có thể kể đến như:
- TCP (Transmission Control Protocol): thiết lập kết nối giữa các máy tính để truyền dữ liệu. Nó chia nhỏ dữ liệu ra thành những gói (packet) và đảm bảo việc truyền dữ liệu thành công.
- IP (Internet Protocol): định tuyến (route) các gói dữ liệu khi chúng được truyền qua Internet, đảm bảo dữ liệu sẽ đến đúng nơi cần nhận.
- HTTP (HyperText Transfer Protocol): cho phép trao đổi thông tin (chủ yếu ở dạng siêu văn bản) qua Internet.
- FTP (File Transfer Protocol): cho phép trao đổi tập tin qua Internet.
- SMTP (Simple Mail Transfer Protocol): cho phép gởi các thông điệp thư điện tử (e-mail) qua Internet.
- POP3 (Post Office Protocol, phiên bản 3): cho phép nhận các thông điệp thư điện tử qua Internet.
- MIME (Multipurpose Internet Mail Extension): một mở rộng của giao thức SMTP, cho phép gởi kèm các tập tin nhị phân, phim, nhạc,... theo thư điện tử.
- WAP (Wireless Application Protocol): cho phép trao đổi thông tin giữa các thiết bị không dây, như điện thoại di động.
Xem thêm:
- 13 cách thức truyền dữ liệu trong IoT cho các kỹ sư điện
- Những đối tượng hưởng lợi nhiều nhất từ việc sử dụng dữ liệu lớn Big data
- Khái niệm cơ bản về giao thức Modbus RTU
Trên đây là một số kiến thức liên quan đến truyền tải dữ liệu, truyền thông. Hi vọng các bạn có thêm những thông tin cơ bản cần thiết. Có thắc mắc gì các bạn cứ liên hệ BKAII nhé!
"BKAII - Thiết bị truyền thông TỐT nhất với giá CẠNH TRANH nhất!"